Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Buôn tên miền (domain)- mang đến siêu lợi nhuận???

Các nhà đầu tư tên miền đang hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc bán lại các địa chỉ web (tức tên miền). Liệu đây có thể trở thành một ngành kinh doanh hợp pháp? 
Rogers Cadenhead, một người ở Florida (Mỹ) đã đăng ký một địa chỉ Internet tên là BenedictXVI.com khi Tòa thánh Vatican có Giáo hoàng mới. Tuy nhiên, Cadenhead cho biết chỉ sử dụng trang web này để quảng bá cho một tổ chức phi lợi nhuận và dự định sẽ chuyển giao nó cho Vatican. Nhưng Vatican lại không gặp may với những người sở hữu các địa chỉ như Benedict16.com and PopeBenedict-16.org. Những người này chỉ muốn bán lại các địa chỉ trên với giá cao. 



Ảo nhưng ra tiền 
Cùng với sự phát triển của Internet, những người đầu tư tên miền đang nhìn ra tiềm năng kinh doanh tài sản ảo trên xa lộ thông tin. Họ đã mua hàng ngàn tên miền mang nhãn hiệu nổi tiếng, và hi vọng thu được lợi nhuận gấp 10 thậm chí 100 lần số tiền đã bỏ ra. 
Vào năm 2000, khi hàng loạt công ty Internet bị sụp đổ, các đầu tư như vậy bị xem là điên rồ. Nhưng gần đây tình hình đã thay đổi. Sedo.com, công ty hàng đầu trên thị trường tên miền, ước tính rằng, năm 2004, số lượng giao dịch mua lại tên miền được đăng ký đã tăng gần gấp ba lần so với năm 2003. Trước đây, giá bán trung bình một địa chỉ Internet là 1.600 USD. Nhưng kể từ đầu năm 2004, theo công ty Dotcom Agency của Anh, giá đã tăng, trung bình là 3.500 USD cho một địa chỉ. 
Theo tạp chí Domain Name, các vụ mua bán tên miền trên 100.000 USD hoặc trên một triệu USD cũng đã trở nên phổ biến. Năm ngoái, công ty tiếp thị ClickSuccess (trụ sở tại Texas, Mỹ), chẳng hạn, đã mua lại địa chỉ CreditCards.com với giá 2,75 triệu USD. “Thị trường hiện nay hoàn toàn khác so với năm 1999”, Matt Bentley, Tổng giám đốc điều hành Sedo.com, nói. “Ngành kinh doanh tên miền đã thực sự đem lại lợi nhuận”. Rick Schwartz, người tự phong là “Vua tên miền”, cũng cho rằng địa chỉ web là một lĩnh vực đầu tư triển vọng. Schwartz đã tham gia thị trường tên miền trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng của các công ty Internet năm 2000. Ông nói: “Ngay từ đầu, tôi đã xem các tên miền như một loại hàng hóa. Tôi tin rằng sau cuộc khủng hoảng năm 2000, tên miền sẽ đóng vai trò quan trọng, trọng tâm trong thời kỳ bùng nổ mới của Internet”. Schwartz cho biết ông đã đầu tư vào khoảng 5.000 tên miền. Nhờ đó, ông đã thu được hàng chục triệu dollar Mỹ. Theo Ron Jackson, người sáng lập tạp chí Domain Name, việc Schwartz bán địa chỉ Men.com với giá 1,32 triệu USD vào năm 2004 đã mở đầu cho sự hồi sinh của thị trường tên miền. Năm 1997, Schwartz đã mua địa chỉ này với giá 15.000 USD. 
Thêm vốn đầu tư mạo hiểm
Các công ty có vốn đầu tư mạo hiểm cũng đã tham gia vào thị trường tên miền, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Tháng 11 năm 2004, Marchex, một công ty có vốn đầu tư mạo hiểm chuyên cung cấp dịch vụ tiếp thị trên mạng, đã mua lại thêm một số tên miền, nâng số địa chỉ Internet mà công ty này sở hữu lên hơn 100.000 với khoảng 17 triệu người sử dụng/tháng. Marchex đã phải đầu tư thêm 164,2 triệu USD . Số tiền này cao gấp 8 lần doanh thu hàng năm hiện nay của công ty. Peter Christothoulou, Giám đốc phụ trách chiến lược của Marchex, nói: “Lượng người truy cập trang web là yếu tố sống còn trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng và doanh số từ quảng cáo”. Ông cũng cho biết, từ khi công ty công khai vụ mua bán trên, ngày càng có nhiều người quan tâm đến thị trường tên miền. Marc Ostrofsky, một nhà đầu tư kỳ cựu, cũng rất chú ý đến việc nhiều cá nhân muốn gia nhập thị trường tên miền. Ostrofsky là người đã đứng đằng sau vụ mua bán trang Business.com với mức giá kỷ lục 7,5 triệu USD vào năm 1999. Ông đang thành lập một “quỹ đầu tư tài sản trên Internet” với số vốn 250 triệu USD . Cùng với Bob Martin, Giám đốc ngân hàng đầu tư ở Houston, Ostrofsky đang thảo luận với các giám đốc những quỹ đầu tư ủy thác tư nhân và công ty đầu tư mạo hiểm ở New York, Los Angeles và Silicon Valley. Ông tin rằng hiện nay việc kinh doanh thông qua Internet không thể sụp đổ như hồi năm 2000. Theo ông, khủng hoảng xảy ra là vì các công ty đã được định giá quá cao. Còn nay thì không phải như vậy. 
Với việc mở rộng các tên miền có đuôi “.biz” và “.info” vào năm 2001 và phí đăng ký giảm còn khoảng 8 USD cho một tên miền, thị trường đã ngày càng phát triển. Đầu tháng 6-2005, tổ chức dữ liệu tên miền Whois Source cho biết số lượng tên miền cấp một toàn cầu ( có đuôi “.com”, “.net”, “.org”, “.biz”, “.info” và “.us”) đã vượt qua con số 50 triệu. Mỗi ngày có hàng chục ngàn tên miền hết hạn sử dụng và như vậy lại được đưa ra thị trường.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét